Ngoài ra, việc căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không có dấu hiệu dịu xuống và các cuộc đàm phán Brexit, chỉ việc Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), vẫn bế tắc trong việc tìm ra tiếng nói chung, cũng gây sức ép lên thị trường chứng khoán.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương ( trừ Nhật Bản) giảm 0,7%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 182,96 điểm (0,8%), xuống 22.658,16 điểm, do hoạt động bán tháo chốt lời và tâm lý lo ngại của giới đầu tư khi chứng kiến đà "lao dốc" mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Tại thị trường Seoul, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng hạ 19,20 điểm (0,89%), xuống 2.148,31 điểm. Các thị trường Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc), Manila của Philippines, Jakarta của Indonesia và Bangkok của Thái Lan cũng đồng loạt đỏ sàn. Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 của Australia đã phục hồi từ đà giảm ở đầu phiên để đảo chiều tăng nhẹ 0,1%, lên 5.942,40 điểm.
Thị trường Trung Quốc là nhân tố chính kéo lùi chứng khoán châu Á trong phiên này với mức giảm mạnh tại sàn giao dịch Thượng Hải, khi đồng NDT suy yếu và Fed để ngỏ khả năng tiếp tục nâng lãi suất. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite mất 75,19 điểm (2,94%), xuống 2.486,42 điểm- mức thấp nhất trong gần bốn năm. Trong khi đó, chỉ số Hang seng của Hong Kong lại gần như đi ngang khi chỉ giảm nhẹ 7,71 điểm, xuống 25.454,55 điểm, giữa bối cảnh các nhà đầu tư đã trở lại thị trường sau khi nghỉ lễ một ngày.
Biên bản cuộc họp mới nhất của cho thấy ban điều hành của ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới duy trì sự vững mạnh và lạm phát tăng lên. Trong khi đó, căng thẳng quan hệ Mỹ-Trung dường nhu bị đổ thêm dầu vào lửa do Nhà Trắng công bố kế hoạch rút Mỹ khỏi Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), tổ chức quy định các mức cước bưu chính quốc tế. Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng cơ cấu cước bưu chính quốc tế hiện nay có lợi cho một số nền kinh tế đang phát triển, khiến các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ ở thế bất lợi trong cạnh tranh. Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump tán thành đề xuất của Bộ Ngoại giao Mỹ, theo đó tự ấn định mức cước bưu chính quốc tế và thực hiện việc này chậm nhất là ngày 1/1/2020.