Đây là phát biểu của ông Parvathaneni Harish, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam tại buổi giới thiệu Triển lãm Source India 2018 do Lãnh sự quán Ấn Độ tại TP Hồ Chí Minh tổ chức, ngày 17/7.
Theo ông Parvathaneni Harish, dệt may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả Việt Nam và Ấn Độ. Đây cũng là lĩnh vực mà Chính phủ hai nước đang ưu tiên hợp tác phát triển nhằm nâng cao giá trị trao đổi thương mại và xây dựng chuỗi cung ứng dệt may trong thời gian tới.
Ấn Độ hiện có ngành công nghiệp xơ sợi, dệt vải rất phát triển, có thể sản xuất ra hầu hết các loại vải, nguyên phụ liệu ngành may mặc hiện có trên thị trường và hiện đang nằm trong nhóm 3 nhà cung cấp hàng dệt may hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt 31 tỷ USD (năm 2017). Tuy nhiên, Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn các loại nguyên phụ liệu, với giá trị nhập khẩu trong năm 2017 lên tới 19 tỷ USD. Đây chính là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp trong lĩnh vực sợi, dệt Ấn Độ cần khai thác.
Ông Anil Rajvanshi, Chủ tịch Hội đồng xúc tiến xuất khẩu dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ thông tin, Ấn Độ có thế mạnh về sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may từ sợi tổng hợp, đây là chất liệu vải đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp may mặc thế giới và có xu hướng gia tăng trong tương lai.
Theo ông Anil Rajvanshi, mặc dù, Ấn Độ và Việt Nam có lợi thế bổ sung cho nhau trong chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may, song giá trị trao đổi thương mại trong lĩnh vực này giữa hai nước vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trong năm 2017, giá trị hàng dệt may Ấn Độ xuất khẩu sang Việt Nam đạt 429 triệu USD, tăng 44% so với năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ mới đạt 178 triệu USD.
Để đẩy mạnh hợp tác và nâng cao giá trị trao đổi thương mại trong ngành dệt may giữa hai nước, Ấn Độ đặt mục tiêu sẽ xuất khẩu 1 tỷ USD nguyên vật liệu vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, giao lưu doanh nghiệp để thiết lập quan hệ liên kết chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới nhưng cũng là một trog những quốc gia nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may nhiều thế giới. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển với ước tính đạt 34 tỷ USD trong năm 2018. Do đó, nhu cầu về nguyên phụ liệu, thiết bị dệt may của Việt Nam cũng tăng lên đáng kể.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, thế mạnh của Ấn Độ là sản xuất đa dạng các loại vải nguyên liệu với chất lượng tốt, ngoài ra thiết bị và công nghệ dệt may của Ấn Độ cũng được đánh giá cao.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy hợp tác, thương mại trong ngành dệt may giữa Việt Nam - Ấn Độ sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước phát huy lợi thế của mình, trong đó Việt Nam có thêm nguồn cung nguyên phụ liệu, thiết bị công nghệ đáp ứng nhu cầu sản xuất các đơn hàng lớn còn Ấn Độ mở rộng được thị trường xuất khẩu các nguyên phụ liệu dệt may.
Để tháo gỡ những rào cản trong việc trao đổi thương mại sản phẩm dệt may giữa Việt Nam - Ấn Độ, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đề xuất Chính phủ hai nước xem xét việc đàm phám ký kết hiệp định thương mại tự do song phương để có cơ sở cắt giảm thuế quan cho hàng hóa của hai bên. Đồng thời, xúc tiến việc xây dựng các kho ngoại quan nguyên phụ liệu ở Việt Nam nhằm giải quyết bài toán chi phí vận chuyển. Từ đó, khuyến khích doanh nghiệp hai bên thiết lập quan hệ hợp tác lâu dài.