Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tháng trước, CIA đã công bố các tài liệu mới về cuộc đảo chính năm 1953, trong đó chính thức thừa nhận vai trò chủ chốt trong cuộc đảo chính ngày 18/8/1953 lật đổ Thủ tướng Iran Mohammad Mossadegh. Với sự trợ giúp của các cơ quan tình báo Anh, CIA đã chuẩn bị kế hoạch này sau khi ông Mosaddegh cố gắng quốc hữu hóa lợi ích dầu mỏ của Công ty dầu khí Anh-Iran, tên sau này là BP. Họ lo ngại rằng việc quốc hữu hóa các mỏ dầu thuộc sở hữu của công ty này sẽ dẫn tới hiệu ứng domino ở Trung Đông, nơi có khoảng 60% mỏ dầu trên thế giới.
Cuộc đảo chính củng cố quyền lực của chế độ quân chủ Shah, cai trị Iran cho tới cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Kể từ đó, Tehran đã kiên quyết từ chối bất kỳ hình thức can thiệp của nước ngoài nào trong các vấn đề của nước này.
Ngày 20/6 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chọc giận Tehran khi nói rằng Mỹ vẫn đang theo đuổi việc thay đổi chế độ của Iran. Trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, ông Tillerson cáo buộc Iran đang tìm cách trở thành "bá chủ" khu vực Trung Đông, gây ảnh hưởng đến các đồng minh của Mỹ như Saudi Arabia, đồng thời cho biết "chính sách của Mỹ đối với Iran là đẩy lùi ý định bá chủ này”. Ông Tillerson tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ làm việc theo hướng “ủng hộ những thành tố bên trong Iran vốn có thể dẫn đến một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình”.
Phản ứng trước các nhận định trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghassemi cho biết bộ trên đã triệu đại biện lâm thời Thụy Sĩ tại Iran để bày tỏ "sự phản đối mạnh mẽ ", đồng thời nhấn mạnh rằng "các bình luận của Ngoại trưởng Mỹ đi ngược lại luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ)”.
Trả lời đài Sputnik (Nga), ông Jalal-zade Seyid Mojtaba, một chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Hồi giáo Azaz ở Tehran cho rằng những nỗ lực mới của Mỹ nhằm tạo ra sự thay đổi chế độ ở Iran nhiều khả năng sẽ thất bại.
“Trước hết, sau khi chế độ quân chủ bị lật đổ năm 1979, Iran trở thành một nước Cộng hòa Hồi giáo và các thể chế dân chủ phát triển rất nhanh chóng; trở thành trụ cột của xã hội Iran. Có nghĩa là, hiện giờ người dân quyết định số phận của chính họ. Đúng, họ không thể trực tiếp lựa chọn các quan chức cấp cao, nhưng họ có thể bày tỏ sự đồng ý hay bất bình, và điều này đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị. Do đó, việc mong đợi một cuộc đảo chính trong một xã hội mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân là không ích gì”, ông Mojtaba giải thích.
Theo chuyên gia về quan hệ quốc tế này, khía cạnh quan trọng thứ hai là mối quan hệ giữa Iran và Mỹ. Trong thời kỳ năm 1953, các quan chức tòa án chống đối chính phủ của Thủ tướng Mosaddegh có quan hệ gần gũi với Mỹ.
“Tuy nhiên, các chính trị gia và nghị sĩ Iran ngày nay không có quan hệ gì với Mỹ, do thiếu các mối liên hệ và áp lực đối với đời sống chính trị nội bộ của Iran, khả năng Mỹ có thể thực hiện kế hoạch thay đổi chính quyền ở Iran là rất thấp. Nhưng cũng đừng quên rằng Mỹ đã không thực hiện cuộc đảo chính 1953 một mình. Các đồng minh của Mỹ – các lực lượng nước ngoài khác đã cung cấp cho Mỹ sự hỗ trợ mạnh mẽ”, ông Jalal-zade Seyid Mojtaba kết luận.