Theo cổng phân tích thông tin News.Az của Azerbaijan ngày 21/12, Armenia đang đối diện một ngã rẽ quan trọng trong chính sách đối ngoại, khi mối quan hệ với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) trở nên căng thẳng. Quyết định rời khỏi CSTO không chỉ đặt ra những thách thức về an ninh, kinh tế mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về tương lai địa chính trị của quốc gia này.
Mối quan hệ giữa Armenia và CSTO đã trở nên xấu đi trong thời gian gần đây, đặc biệt khi Armenia không thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hai năm liên tiếp. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố nước này "đứng ngoài" CSTO, nhưng chưa đệ trình tài liệu chính thức nào liên quan đến việc rút khỏi liên minh do Nga đứng đầu trên. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, điều này cho thấy sự mâu thuẫn trong quyết định của Armenia.
Trang tin NEWS.am của Armenia cũng dẫn lời ông Lavrov cho biết không có tài liệu nào liên quan đến việc rút khỏi CSTO) từ Armenia. NEWS.am cũng dẫn lời Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu tại Quốc hội nước này gần đây rằng Yerevan hiện coi mình nằm ngoài CSTO và do đó không tham gia vào việc đưa ra các quyết định và văn bản trong tổ chức này.
Thủ tướng Pashinyan đã lưu ý rằng "mỗi giây" Armenia đang ngày càng rời xa CSTO. Theo lời ông, được trích dẫn bởi hãng thông tấn RIA Novosti (Nga), nếu "điểm không thể quay lại" vẫn chưa được vượt qua, thì điều đó rất có thể sẽ xảy ra.
Trong khi đó, Tổng thư ký CSTO Imangali Tasmagambetov cho biết việc Armenia không tham gia các cuộc thảo luận của tổ chức này không ảnh hưởng đến năng suất công việc của CSTO, RIA Novosti đưa tin.
"Việc Armenia không tham gia không ảnh hưởng đến năng suất công việc của tổ chức. Thực tế rằng Armenia là đồng minh của chúng tôi và mọi nghĩa vụ của chúng tôi đối với Armenia đều được duy trì", ông Tasmagambetov cho biết.
Ông Tasmagambetov nhấn mạnh rằng Armenia có thể quay trở lại tham gia đầy đủ vào hoạt động của CSTO bất cứ lúc nào và không có sự phản đối hay cản trở nào từ các thành viên CSTO khác về vấn đề này.
Khả năng hợp tác với NATO?
Nhiều chuyên gia đồng ý rằng Armenia sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một liên minh thay thế nếu rời CSTO. Theo nhà phân tích Ilgar Valizade, tư cách thành viên của Armenia trong Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt lên Nga khiến việc gia nhập NATO trở nên khó khả thi. Mối quan hệ căng thẳng giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ – một thành viên chủ chốt của NATO – càng làm gia tăng trở ngại.
Ngoài ra, việc NATO chấp nhận Armenia sẽ đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của cả hai bên, điều không dễ đạt được trong thời gian ngắn. Các tranh chấp lịch sử và lãnh thổ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần được giải quyết trước khi Armenia có thể xem xét hợp tác sâu rộng hơn với phương Tây.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất của việc rời khỏi CSTO là sự suy giảm an ninh quốc gia. CSTO cung cấp các bảo đảm phòng thủ tập thể, đặc biệt quan trọng với Armenia trong bối cảnh xung đột chưa được giải quyết với Azerbaijan về Nagorny-Karabakh. Nếu không có sự hỗ trợ từ CSTO, Armenia sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn trước các thách thức từ Azerbaijan và các lực lượng khác trong khu vực.
Chỉ có CSTO mới có thể đảm bảo an ninh cho Armenia. Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hội đồng Liên bang Nga, đã phát biểu như vậy trong một cuộc phỏng vấn với NEWS.ru. Theo ông Dzhabarov, Nga hy vọng mọi bất đồng với Armenia sẽ được giải quyết.
"Tôi là người ủng hộ lập trường do tổng thống của chúng tôi (Tổng thống Nga Vladimir Putin) đưa ra. Tôi chỉ không thấy ai có thể thay thế, ai có thể đảm bảo - ngoài CSTO - an ninh của Armenia trong trường hợp có mối đe dọa từ bên ngoài", ông Vladimir Dzhabarov nêu rõ.
Bên cạnh đó, ông Dzhabarov bày tỏ sự nghi ngờ rằng Mỹ sẽ có thể trở thành đối tác tốt cho Armenia. Ông Vladimir Dzhabarov trích dẫn ví dụ về Ukraine, nước đã tìm cách thiết lập quan hệ với Mỹ thay vì Nga.
Theo các chuyên gia, mặc dù một số quốc gia như Pháp hay Ấn Độ có thể cung cấp viện trợ hạn chế, nhưng những mối quan hệ này không thể thay thế mức độ hội nhập quân sự mà CSTO mang lại. Armenia sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất đi một "chiếc ô bảo vệ" quan trọng trong khu vực đầy biến động này.
Việc rời khỏi CSTO không chỉ ảnh hưởng đến an ninh mà còn đe dọa nền kinh tế Armenia. Nền kinh tế nước này phụ thuộc nặng nề vào Nga, đối tác thương mại lớn nhất và nhà cung cấp năng lượng chính. Theo nhà phân tích Tural Ismayilov, việc cắt đứt quan hệ với CSTO sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Armenia hiện vẫn là thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Theo đó, việc rời khỏi CSTO có thể dẫn đến các phản ứng từ Nga, gây ra khó khăn lớn trong việc duy trì nguồn cung năng lượng và xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, tìm kiếm đối tác thương mại mới với Armenia không phải là giải pháp dễ dàng trong bối cảnh hiện tại.
Tóm lại, Armenia đang đối mặt với một quyết định phức tạp và đầy rủi ro. Mong muốn đa dạng hóa liên minh là điều dễ hiểu, nhưng nguy cơ khi rời khỏi CSTO có thể vượt xa lợi ích tiềm năng. Sự phụ thuộc kinh tế vào Nga, thách thức an ninh gia tăng là những yếu tố có thể khiến Armenia cân nhắc kỹ lưỡng.