Vòng xoáy biến động ở châu Âu

Châu Âu đang bước qua năm 2024 với hàng loạt cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, từ an ninh, chính trị, kinh tế cho tới các vấn đề về văn hoá xã hội.

Trong bức tranh ảm đạm này, sự trỗi dậy mạnh mẽ của lực lượng cực hữu trên khắp châu Âu càng làm nổi bật thêm những khó khăn và mâu thuẫn nội tại của “Lục địa Già”.

Chú thích ảnh
Giao tranh ở khu vực Kursk tiếp tục leo thang khi Nga và Ukraine tiến hành các cuộc phản công lẫn nhau. Ảnh tư liệu: Sputnik

Khủng hoảng an ninh

Trong bài viết cho Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Chatham House, cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso đánh giá châu Âu đang phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, bao gồm an ninh, chính trị và kinh tế. Theo ông, cuộc khủng hoảng an ninh do cuộc chiến tại Ukraine gây ra mang tính cấp bách nhất, không chỉ đối với Liên minh châu Âu (EU) mà đối với toàn bộ lục địa.

Cựu quan chức EU này nhắc đến giải pháp hòa bình cho cuộc chiến ở Ukraine nhưng lo ngại cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có thể khiến Kiev phải nhượng bộ. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới vai trò của châu Âu trong việc cùng với Mỹ duy trì trật tự thế giới kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Tuy nhiên, việc châu Âu và các đối tác phương Tây liên tục tuyên bố tăng cường ủng hộ Ukraine cũng gây ra mối lo ngại an ninh không kém phần nghiêm trọng. Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin mới đây cảnh báo việc Nghị viện châu Âu (EP) kêu gọi dỡ bỏ hạn chế đối với Ukraine trong sử dụng vũ khí tầm xa chống lại Nga có thể đẩy thế giới đối mặt với “một cuộc chiến tranh hạt nhân”. Các khoản viện trợ cho Ukraine cũng là một trong những nguyên nhân gây chia rẽ và bất ổn nội bộ của nhiều nước châu Âu.

Chính trị và kinh tế rối loạn

Trong khi mối đe dọa an ninh có thể được lý giải từ nhiều góc độ khác nhau thì các cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế song hành ngày càng rõ nét, đe dọa trực tiếp sự ổn định của toàn bộ châu Âu. Nếu như những tháng đầu năm chứng kiến làn sóng biểu tình của nông dân trên khắp châu Âu liên quan tới Thoả thuận Xanh thì những tháng cuối năm chứng kiến những cơn địa chấn chính trị của “Lục địa Già”. Lần đầu tiên trong hơn 60 năm qua, một chính phủ tại Pháp sụp đổ khi bị quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm (ngày 4/12). Chính phủ Pháp đã phải đối mặt làn sóng phản đối mạnh mẽ khi thực thi các chính sách cải cách lương hưu và kinh tế.

Thủ tướng Michel Barnier ra đi buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải bổ nhiệm thủ tướng mới mà không có được sự ủng hộ của đa số tại cơ quan lập pháp chia rẽ sâu sắc, đẩy nước Pháp vào tình trạng hỗn loạn chính trị và nhiều khả năng tê liệt về chính sách. Pháp cũng đang gánh số nợ công lên tới 3.200 tỷ euro, tương đương 6,1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thâm hụt ngân sách tiếp tục tăng mạnh do các khoản chi phục hồi sau đại dịch COVID-19 và viện trợ Ukraine.    

Chú thích ảnh
Thủ tướng Pháp Michel Barnier trong phiên bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ở Paris, ngày 4/12/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Một tháng trước đó, chính trường Đức cũng đã rung chuyển khi chính phủ liên minh sụp đổ. Việc Thủ tướng Olaf Scholz (đảng Dân chủ Xã hội - SPD - trung tả) cách chức Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner (lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do - FDP) được coi là nguyên nhân trực tiếp gây ra cuộc khủng hoảng chính phủ, chấm dứt liên minh cầm quyền giữa SPD, FDP và đảng Xanh. Nhưng nguyên nhân sâu xa chính là cuộc khủng hoảng năng lượng, tình trạng lạm phát cao và khó khăn kinh tế chồng chất mà nước Đức đang phải đối mặt, gây ra những bất đồng về quan điểm và cách thức giải quyết. Dự kiến, nền kinh tế Đức năm nay sẽ suy giảm 0,1% trong khi lạm phát vọt lên mức 2,2%.

Sự bất ổn của hai đầu tàu Đức và Pháp đang đặt cả EU trước nguy cơ mất phương hướng trong bối cảnh cần lực kéo và dẫn dắt để vượt qua những thách thức, điều chỉnh mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương khi ông Donald Trump chính thức làm chủ Nhà Trắng. Các chính phủ hiện tại ở cả Đức và Pháp khó có thể đưa ra được những quyết sách quan trọng do không nhận được sự ủng hộ của quốc hội. Điều này sẽ kéo theo sự đình trệ trong các chính sách an ninh, đối ngoại, năng lượng, kinh tế...của cả châu Âu.

Không có chính sách thống nhất và nhất quán, EU khó có thể góp phần hiệu quả giải quyết cuộc chiến ở Ukraine, cuộc khủng hoảng ở Trung Đông, tăng cường năng lực cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc, ứng phó với các thách thức môi trường, dịch bệnh, làn sóng di cư...Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo EU có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện, trong khi giới phân tích không loại trừ nguy cơ khủng hoảng chính trị tại Đức và Pháp gây ra hiệu ứng lan rộng, làm bùng phát biểu tình và xung đột ở các quốc gia khác trong liên minh.     

Sự trỗi dậy của cánh hữu

Trong các cuộc khủng hoảng tại Đức và Pháp, không thể không nhắc tới vai trò của các đảng cực hữu vốn đang trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp châu Âu trong năm 2024. Chính phủ Pháp sụp đổ sau khi đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) hợp tác với liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) đề xuất bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nếu không tính đến các liên minh, RN hiện là đảng có nhiều ghế nhất tại Hạ viện Pháp với 126 đại biểu. Còn tại Đức, sự lung lay của chính phủ liên minh cộng với hàng loạt khó khăn, thách thức về kinh tế, xã hội đã giúp đảng cực hữu “Sự lựa chọn vì nước Đức” (AfD) giành thắng lợi lịch sử tại 2 bang miền Đông là Sachsen và Thuringen.

Tại Áo, đảng Tự do (FPO) cực hữu đã chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi cuối tháng 9 khi giành hơn 29% số phiếu ủng hộ. Ở cấp độ châu lục, trong cuộc bầu cử EP hồi tháng 6, các đảng cánh hữu ở Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Áo, Bỉ, Hà Lan, Hungary, Slovakia, CH Séc... đã giành chiến thắng thuyết phục trước các đảng cầm quyền. Tại EP, hai nhóm cánh hữu, gồm Khối Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR) cùng Nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), hiện chiếm tới gần 19% trong tổng số 720 ghế, tạo ảnh hưởng đáng kể về mặt chính sách.

Giới phân tích và các chính trị gia truyền thống châu Âu đang tăng cường cảnh báo về những “hậu quả” do sự trỗi dậy của lực lượng cực hữu, nhấn mạnh vào những quan điểm và chính sách được cho là “cực đoan”, “cấp tiến” của các đảng này. Các đảng cực hữu cũng thường bị cáo buộc sử dụng các chiến lược dân túy nhằm thu hút cử tri. Từ góc nhìn này, sự trỗi dậy của phe cực hữu được nhìn nhận như một trong những nguyên nhân gây chia rẽ xã hội, tác động tới các chính sách theo hướng cứng rắn hơn trong các vấn đề di cư, tăng cường an ninh biên giới, thậm chí có nguy cơ làm phân rã EU. Nhưng có một thực tế cần phải thừa nhận, đó là việc các đảng như RN ở Pháp, AfD ở Đức, FPO ở Áo hay ANO ở CH Séc đưa ra nhiều tuyên bố và chính sách đánh trúng tâm lý, nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người dân châu Âu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong cuộc họp báo ở Berlin, ngày 9/5/2022. Ảnh tư liệu: IRNA/TTXVN

Một nghiên cứu của The Insider cho thấy sự gia tăng tình cảm cực hữu và cực tả được thúc đẩy nhiều hơn do các lý do kinh tế, chủ yếu là lạm phát. Trong thập kỷ qua, tại Đức, mức lạm phát tăng 1% tương ứng với mức gia tăng 0,32% tỷ lệ ủng hộ dành cho AfD. Tại Pháp, trong vòng 6 năm qua, tỷ lệ lạm phát tăng 1% tương ứng mức gia tăng tỷ lệ ủng hộ dành cho RN thêm 0,58%. Bên cạnh lý do kinh tế, những xung đột về văn hóa, xã hội, khoảng cách giàu nghèo tại nhiều nước châu Âu cũng khiến cử tri ngả theo các đảng cực hữu. Ở một mức độ nhất định, có thể coi những thất bại trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng, thách thức và khó khăn của người dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho phe cánh hữu. Đây cũng chính là một phần trách nhiệm của các chính trị gia và các đảng phái tự coi mình là “truyền thống” và đang nắm quyền tại châu Âu.

Tổng biên tập Hãng thông tấn AGC (Italy), ông Antonio Albanese nhấn mạnh, tỷ lệ phiếu bầu ủng hộ phe cực hữu ngày càng tăng đã làm nổi rõ sự bất mãn tiềm ẩn đối với các chính sách của EU và cũng cho thấy sự bất mãn đang gia tăng đối với thực trạng hiện nay. Robert Strang, Giám đốc điều hành của Viện Sáng kiến Luật Trung và Đông Âu tại Praha (CH Séc) nhận định: "Các cuộc bầu cử châu Âu thường là những chỉ báo tốt cho những gì đang diễn ra và những gì có thể mong đợi trong các cuộc bầu cử quốc gia". Những “chỉ báo” hiện nay cho thấy châu Âu có rất nhiều việc cấp bách phải giải quyết, và chừng nào các cuộc khủng hoảng, bất ổn còn tiếp diễn, các đảng cực hữu sẽ có thêm nhiều cơ hội gia tăng ảnh hưởng, thậm chí lên nắm quyền thông qua lá phiếu của cử tri.

Ngọc Biên (Phóng viên TTXVN tại châu Âu)
Truyền thông Mỹ: ông Trump ủng hộ triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine
Truyền thông Mỹ: ông Trump ủng hộ triển khai quân đội châu Âu tại Ukraine

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng châu Âu sẽ phải gánh vác phần lớn trách nhiệm trong việc hỗ trợ Ukraine và quản lý một lệnh ngừng bắn trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN