Nông dân xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN |
Tuy hồ tiêu rớt giá nhưng các nông hộ vẫn tập trung nguồn lực, lao động, phương tiện chăm sóc tốt các vườn tiêu trong mùa mưa này.
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, mùa mưa là mùa cây tiêu ở Tây Nguyên ra hoa, chắc quả và đây cũng là mùa dễ làm cho vườn tiêu bị ngập úng, mắc bệnh chết nhanh, chết chậm.
Do vậy, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đã lưu ý các nông hộ trồng tiêu tạo hệ thống rãnh thoát nước, không để nước đọng trong vườn, gốc tiêu, dọn sạch cỏ, cắt tỉa cành để cây tập trung nuôi nhánh ngang (nhánh cho quả vụ sau) và xử lý tàn dư thực vật trong vườn tiêu.
Viện cũng hướng dẫn các nông hộ trồng tiêu cắt các nhánh tiêu mọc sát gốc, nhánh sâu bệnh, chậm phát triển, nhánh tiêu khô nhằm tạo ra khoảng trống cung cấp đủ ánh sáng, giảm độ ẩm trong vườn để tiêu diệt các mầm bệnh hại cho cây tiêu.
Ngay đầu mùa mưa, Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên hướng dẫn các nông hộ trồng tiêu sử dụng các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ cũng như kỹ thuật bón phân nhằm cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho cây tiêu phát triển ra hoa, đậu quả, hạn chế rụng chùm quả (gié)…
Đồng thời, khuyến cáo các nông hộ mỗi năm sử dụng từ 30 - 40 m3 phân chuồng ủ hoai mục trộn với phân hữu cơ vi sinh bón cho mỗi héc ta hồ tiêu hoặc bón 30 kg phân chuồng ủ hoai mục cho mỗi gốc. Bên cạnh đó, sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dùng như 16 – 8 – 16 bón mỗi năm từ 9 đến 12 kg/gốc, bón 4 lần cho hồ tiêu đã đưa vào kinh doanh và từ 4 - 6 lần cho hồ tiêu đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, sử dụng các loại phân bón lá để tăng tỷ lệ đậu quả…
Các nông hộ cũng tăng cường kiểm tra, giá, sát, theo dõi vườn tiêu để sớm phát hiện sâu bệnh hại có biện pháp phòng trừ kịp thời, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu.
Các tỉnh Tây Nguyên có tổng diện tích cây hồ tiêu trên 70.500 ha, đạt sản lượng mỗi năm từ 121.000 tấn tiêu hạt trở lên, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với trên 28.000 ha, tiếp đến là tỉnh Đắk Nông có gần 25.000 ha.