Theo mạng tin EURACTIV.de (Đức), Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg đã nhắc lại lập trường của nước này liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine tại một sự kiện ở Tây Ban Nha ngày 21/8, trong bối cảnh các nước phương Tây liên tục chỉ trích Áo về sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga và từ chối xem xét lại chính sách an ninh của mình.
Ông Schallenberg đã nhấn mạnh lập trường của Áo liên quan đến hỗ trợ quân sự, nêu rõ cách tiếp cận trung lập của nước này: “Chúng tôi là một quốc gia trung lập. Điều đó được quy định trong hiến pháp của chúng tôi".
Tuy nhiên, ông Schallenberg nêu rõ: "Chúng tôi đang tài trợ nhiều hơn cho khía cạnh nhân đạo. Rõ ràng là chúng tôi trung lập về mặt quân sự, nhưng Áo chưa bao giờ trung lập về các giá trị”.
Trong khi đó, hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời ông Schallenberg cho rằng các quốc gia châu Âu không thể "từ bỏ Nga" và cắt đứt đối thoại với Moskva liên quan đến việc tạo ra một cấu trúc an ninh châu Âu sau khi xung đột ở Ukraine kết thúc.
"Chúng ta không thể từ bỏ Nga, chúng ta không thể ngừng đối thoại với Nga. Nếu làm như vậy, chúng ta có thể sẽ bị loại (khỏi hệ thống) Trung Á và Nam Kavkaz. Bất kể điều gì xảy ra, Nga sẽ vẫn là nước láng giềng lớn nhất của chúng ta về mặt địa lý, sẽ vẫn là nước dẫn đầu về số lượng đầu đạn hạt nhân. Nga vẫn là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Chúng ta không thể thảo luận về biến đổi khí hậu hay bất kỳ vấn đề nào khác mà không có Nga tham gia", ông Schallenberg nói.
Theo ông Schallenberg, hiện Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu vẫn là nền tảng quan trọng, bên cạnh Liên hợp quốc, nơi các nước phương Tây và Nga tiếp tục trao đổi quan điểm.
Tính trung lập của Áo nhiều lần là một chủ đề gây tranh cãi, với các đảng đối lập, các chuyên gia chỉ trích chính phủ vì lập trường trên. Cụ thể, Chính phủ Áo đã bị các chuyên gia năng lượng, các đảng đối lập, Ủy ban châu Âu và một số đồng minh phương Tây chỉ trích nặng nề vì thiếu các kế hoạch cụ thể để tách khỏi khí đốt của Nga. Gần đây họ kêu gọi nước này đánh giá lại quan điểm của mình, đặc biệt là sau nỗ lực gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan.