Kéo dài suốt ba tuần qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Libi, theo nhận định của giới phân tích, đã hội đủ điều kiện để trở thành một cuộc nội chiến tiêu hao sinh lực kéo dài, một cuộc chiến sẽ cần tới mọi nỗ lực ngoại giao quốc tế trong nhiều tháng tới.Tại Libi, giao tranh giữa quân chống chính phủ và lực lượng trung thành với Tổng thống Moamer Kadhafi vẫn nổ ra hàng ngày. Theo các phương tiện truyền thông đại chúng ngày 8/3, hai phe đã đụng độ ác liệt tại thành phố Zawiyah, cách thủ đô Tripôli 60 km về phía tây.
Một quả bom được không quân Libi ném xuống khu vực do phe nổi loạn kiểm soát ở thành phố Ras Lanuf ngày 8/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tại thành phố dầu mỏ quan trọng Ras Lanuf, phe đối lập đã bị các trận không kích của quân chính phủ đẩy lùi. Hiện lực lượng không quân của chính phủ đã giành ưu thế hoàn toàn trong việc kiểm soát không phận tại một số thành phố và thị trấn ở miền đông, đẩy lực lượng chống đối vào tình thế khó khăn, phải tháo chạy khỏi một số khu vực.
Theo các nguồn tin nước ngoài, lực lượng nổi dậy đã bác bỏ đề xuất đàm phán hòa giải của Tổng thống Kadhafi, đồng thời đề nghị ông phải rời khỏi đất nước. Thủ lĩnh cái gọi là "Hội đồng quốc gia" Mustafa Abdul Jalil cho biết sẽ không truy tố hình sự Tổng thống Kadhafi nếu ông tự nguyện ra nước ngoài.
Trong khi đó, Mỹ và phương Tây vẫn liên tục gia tăng sức ép và can thiệp vào tình hình Libi. Ngày 8/3, tại Oasinhtơn, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết Mỹ và các đối tác đang cân nhắc nhiều giải pháp quân sự đối với Libi, trong đó có phương án cung cấp vũ khí cho lực lượng chống Tổng thống Kadhafi.
Một nguồn tin của phe đối lập tại Libi cho biết thủ lĩnh Hội đồng quốc gia Mustafa Abdul Jalil đã có cuộc gặp với đại diện một số nước châu Âu để thảo luận về khả năng áp đặt vùng cấm bay tại Libi hoặc phương Tây sẽ không kích vào các căn cứ mà lực lượng của ông Kadhafi phát động tấn công.
Địa điểm cuộc gặp cũng như các quốc gia châu Âu tham dự cuộc gặp không được tiết lộ. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng ngày đã quyết định tăng thời gian giám sát không phận Libi từ 10 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày. Theo Đại sứ Mỹ tại NATO Ivo Daalder, việc NATO giám sát không phận Libi suốt ngày đêm sẽ giúp cho các nhà hoạch định quân sự nắm được chi tiết các hoạt động trên mặt đất của các lực lượng trung thành với ông Kadhafi.
Tuy nhiên, Tổng thư ký NATO Ander Fogh Rasmussen một lần nữa khẳng định NATO sẽ chỉ can thiệp quân sự vào Libi khi HĐBA LHQ ra nghị quyết cho phép việc này. Các nguồn tin ngoại giao tại LHQ cho biết Anh và Pháp đã dự thảo một nghị quyết về việc áp đặt vùng cấm bay tại Libi và sẽ trình lên HĐBA trong tuần này. Liên minh châu Âu (EU) ngày 8/3 đã chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới đối với chính quyền của Tổng thống Kadhafi, tập trung vào 5 “thực thể” kinh tế, trong đó có Cơ quan Đầu tư Libi (LIA). Có nhiều ý kiến trái ngược về khả năng can thiệp quân sự với Libi.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavor tuyên bố việc thiết lập vùng cấm bay tại Libi là không cần thiết và Mátxcơva phản đối bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Libi. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thì cho rằng bất cứ hành động quân sự nào chống ông Kadhafi cũng đều phải được cộng đồng quốc tế đồng thuận. Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết bất kỳ hành động nào được LHQ cho phép ở Libi đều phải đảm bảo rằng hành động đó giúp tái ổn định quốc gia này càng sớm càng tốt. Bà nhấn mạnh chủ quyền quốc gia của Libi phải được tôn trọng.
Phản ứng trước việc Mỹ và phương Tây gây áp lực đối với Libi, Ngoại trưởng Libi Musa Kusa ngày 8/3 cáo buộc Anh, Pháp và Mỹ đang tìm cách “chia cắt Libi” bằng việc liên hệ với các lực lượng chống chính phủ ở khu vực miền đông. Ông Kusa cảnh báo khoảng 300 tay súng thuộc nhóm khủng bố quốc tế Al Qaeda, một số từng là tù nhân tại Guantanamo, đang hỗ trợ lực lượng chống đối tại Libi. Cũng trong ngày 8/3, kênh truyền hình Al Arabiya đưa tin Saadi, con trai của Tổng thống Kadhafi, tuyên bố Libi sẽ lâm vào một cuộc nội chiến nếu cha ông từ chức. Theo ông Saadi, Libi sẽ trở thành một Xômali mới và các bộ tộc sẽ đánh lẫn nhau.
Tình hình tại các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi khác Ngày 8/3, Thủ tướng Beji Caid Essebsi mới được bổ nhiệm của Tuynidi đã công bố danh sách nội các mới của nước này. Đây là chính phủ lâm thời thứ ba tại Tuynidi kể từ khi Tổng thống Abidine Ben Ali bị lật đổ hồi tháng 1 vừa qua. Bộ Nội vụ Tuynidi tuyên bố giải tán bộ máy công an mật dưới thời cựu Tổng thống Ben Ali.
Cùng ngày, chính phủ mới của Thủ tướng Ai Cập Essam Shara đã tuyên thệ nhậm chức trước Chủ tịch Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Mohammed Hussein Tantawi. Dự kiến, nội các mới sẽ tiến hành phiên họp đầu tiên vào cuối tuần này.
Quốc vương Ôman Qaboos đã tiến hành một cuộc cải tổ nội các lớn, theo đó cách chức 12 vị bộ trưởng. Đây được xem là động thái mới nhất trong một loạt những nhượng bộ của Quốc vương Qaboos trước sự phản đối của người dân đòi ban lãnh đạo đất nước mạnh tay với nạn tham nhũng, đẩy nhanh tiến trình tạo việc làm mới và cải cách nền dân chủ.
Trong khi đó, tại Yêmen ngày 8/3, khoảng 2.000 tù nhân tại nhà tù trung tâm ở thủ đô Xana đã nổi loạn, bắt gần một chục cai ngục làm con tin và cũng lên tiếng đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức. An ninh đã được thắt chặt tại thủ đô Xana, quân đội đã huy động xe bọc thép đến các nút giao thông chính và những ngả đường dẫn tới văn phòng tổng thống, Ngân hàng Trung ương, Đại học Xana và các công sở. |
Nam Hạnh (Tổng hợp)