Nga trở thành nhà đầu tư số một tại Iran

Nga đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Iran trong năm qua, khi hai quốc gia bị trừng phạt nặng nề này tăng cường hợp tác kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Chú thích ảnh
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp các nhà lãnh đạo Iran tại Tehran vào mùa hè năm 2022. Ảnh: Reuters

Ehsan Khandouzi, Bộ trưởng Tài chính Iran, cho biết Nga đã đầu tư 2,76 tỷ USD vào nước này trong năm tài chính hiện tại kết thúc vào tuần này, với các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, khai thác mỏ và vận tải.

“Chúng tôi xác định mối quan hệ của chúng tôi với Nga là chiến lược và chúng tôi đang hợp tác với nhau về nhiều mặt, đặc biệt là quan hệ kinh tế. Trung Quốc và Nga là hai đối tác kinh tế chính của chúng tôi, Iran sẽ mở rộng quan hệ với họ thông qua việc thực hiện các thỏa thuận chiến lược”, ông Khandouzi nói với Financial Times. 

Theo báo Nga Izvestia ngày 24/3, Tehran đã nhận được tổng cộng 4,2 tỷ USD đầu tư nước ngoài, trong đó 2,76 tỷ USD đến từ Nga.

Sau khi Nga phải đối mặt với các lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây tương tự như những lệnh trừng phạt đối với Iran, mối quan tâm hợp tác giữa hai nước bắt đầu tăng lên. Ngoài ra, rủi ro của các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với các doanh nghiệp Nga từ phương Tây không còn được coi là đáng kể, Trưởng phòng phân tích kinh tế vĩ mô tại Finam, bà Olga Belenkaya nhận định.

Theo bà Belenkaya, lĩnh vực năng lượng là một trong những lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa Nga và Iran. "Giai đoạn thứ hai của Nhà máy điện hạt nhân Bushehr đang được xây dựng và việc phát triển các mỏ dầu vẫn tiếp tục. Bên cạnh đó, việc phát triển Hành lang Giao thông Bắc-Nam (nối Nga và Ấn Độ qua Iran) trở thành ưu tiên do những thay đổi trong chính sách đối ngoại và thương mại của Nga", vị chuyên gia kinh tế trên lưu ý.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt khiến Iran trở thành một trong những nguồn nhập khẩu công nghiệp của Nga, bà Belenkaya nói, lưu ý Iran vẫn đang chịu các lệnh trừng phạt quốc tế, do đó hạn chế đáng kể cơ hội phát triển kinh tế và hợp tác với các nước khác. Tuy nhiên, Trung Quốc là đối tác thương mại nước ngoài lớn của Iran, trong khi các nước như Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng chiếm thị phần đáng kể.

Về phần mình, chuyên gia Artyom Shakhurin tại IVA Partners cho biết tình hình kinh tế của Iran vẫn còn khó khăn do nước này đã chịu lệnh trừng phạt trong gần nửa thế kỷ. Theo ông Shakhurin, trong một thời gian dài như vậy, người Iran đã có được kinh nghiệm tuyệt vời trong việc vượt qua các lệnh trừng phạt và thay thế hàng nhập khẩu. 

"Kinh nghiệm của họ sẽ rất hữu ích đối với Nga, nước đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng đối với nền kinh tế của mình. Hợp tác giữa hai nước sắp tới có thể mở rộng nhiều mặt. Các lĩnh vực hợp tác chính bao gồm công nghiệp ô tô, chế tạo máy, năng lượng, dược phẩm và công nghiệp hóa chất, dịch vụ dầu mỏ và các dự án kim loại", chuyên gia Shakurin nêu quan điểm. 

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo FT/Izvestia)
Saudi Arabia và Iran thúc đẩy mở lại các cơ quan ngoại giao giữa hai nước
Saudi Arabia và Iran thúc đẩy mở lại các cơ quan ngoại giao giữa hai nước

Ngày 23/3, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia thông báo Ngoại trưởng nước này, Hoàng tử Faisal bin Farhan và người đồng cấp Iran Hossein Amir-Abdollahian đã có cuộc điện đàm nhân dịp bắt đầu tháng lễ Ramadan, trong đó hai bên cam kết sẽ sớm gặp nhau để triển khai một thỏa thuận hòa giải mang tính lịch sử giữa hai nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN