Trong báo cáo, OBG nhận định việc phần lớn các quốc gia thành công ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan, sự phát triển của các giải pháp kỹ thuật số mới và xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác khu vực sẽ giúp Đông Nam Á có vị thế thuận lợi để tận dụng những thay đổi trong kinh tế toàn cầu hậu đại dịch.
Chống chịu qua đại dịch
OBG cho biết các nền kinh tế phát triển hơn, với hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt và dự phòng tài chính mạnh, đương nhiên được chuẩn bị tốt hơn để kiểm soát và chống chọi những ảnh hưởng kinh tế của cuộc khủng hoảng COVID-19. Trong khi đó, những nước có cơ sở hạ tầng yếu hơn và thu nhập khả dụng trung bình thấp phải đối mặt với nhiều thách thức hơn.
Một ví dụ được đưa ra là Myanmar. Dù nước này có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá mạnh (trung bình 6,6% mỗi năm từ 2010 -2019) và đầu tư đáng kể vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, Myanmar vẫn tụt hậu so với các nền kinh tế khác trong khu vực và do đó dễ bị tổn thương bởi bất kỳ đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nào.
Nhìn chung, các nền kinh tế số hóa và đa dạng có khả năng chống chọi tốt hơn với những thách thức do COVID-19 gây ra.
Ví dụ, Malaysia, với ngành công nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực dịch vụ mạnh, có nền tảng đa dạng hơn so với một số nước láng giềng ASEAN, qua đó được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với những thiệt hại do suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, nền kinh tế này vẫn được dự báo sẽ giảm 6% vào năm 2020 trước khi phục hồi lên mức tăng trưởng 7,8% vào năm 2021 - tốc độ nhanh nhất trong số các nước ASEAN-5.
Trong khi đó, các ngành công nghiệp chủ chốt của Thái Lan gồm du lịch và xuất khẩu đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch do hoạt động du lịch quốc tế ngừng trệ và nhu cầu hàng hóa toàn cầu giảm.
Tương tự, Philippines sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào nguồn kiều hối từ các lao động ở nước ngoài, vốn đóng góp khoảng 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Nhưng do tác động của đại dịch, lượng kiều hối gửi về Philippines đã giảm 2,6% trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020 so với cùng kỳ 2019.
Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ
OBG đánh giá mặc dù các quốc gia ASEAN đều phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng hầu hết các nước đều có những đặc điểm cụ thể giúp tăng cường khả năng chống chọi với đại dịch theo cách này hay cách khác.
Tại Indonesia, mức dự trữ ngoại hối cao và nợ chính phủ tương đối thấp (tương đương 29,8% GDP) trước khi đại dịch bùng phát giúp nước này có sự ổn định về tài khóa. Xếp hạng tín nhiệm ổn định và thành tích trả nợ nước ngoài tốt của Philippines cũng giúp giảm bớt một số áp lực kinh tế cho nước này thông qua các khoản vay. Trong khi đó, sự năng động của các ngành công nghiệp kỹ thuật số ở Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã cho phép các nước này xoay trục hiệu quả sang các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, y tế điện tử và giáo dục trực tuyến.
Bên cạnh đó, các quốc gia đều thực hiện một số biện pháp kích cầu hoặc triển khai gói hỗ trợ của nhà nước, dù chúng khác nhau về phạm vi và trọng tâm. Ví dụ, các biện pháp kích thích do Chính phủ Thái Lan đưa ra là lớn nhất trong khu vực tính theo tỷ lệ, tương đương với 22% GDP của nước này. Theo sau là Malaysia với các gói cứu trợ có tổng quy mô tương đương 21% GDP. Những biện pháp này vượt xa hầu hết các gói hỗ trợ khác trong khu vực, với mức kích thích tài chính của Indonesia (4%), Việt Nam (4%) và Philippines (3%) đều thấp hơn đáng kể.
Các ngân hàng trung ương cũng tăng cường hỗ trợ nền kinh tế thông qua giảm lãi suất. Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia đều giảm mức lãi suất chuẩn của họ xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2020, lần lượt là 0,5%, 1,75%, 2% và 3,75%.
Xu hướng kỹ thuật số hóa và tăng cường hợp tác khu vực
Một yếu tố khác cũng hỗ trợ cho kinh tế Đông Nam Á là quá trình chuyển đổi theo hướng kỹ thuật số tại khu vực. Điều này rất cần thiết trong việc giúp các doanh nghiệp thích ứng với trạng thái “bình thường mới”.
Do những hạn chế về đi lại và giãn cách xã hội, việc mở rộng các nền tảng trực tuyến cung cấp dịch vụ thanh toán, giao thực phẩm và tư vấn y tế không chỉ là chìa khóa để cung cấp các hàng hóa và dịch vụ cơ bản cho công chúng, mà còn trở thành nhu cầu thiết yếu đối với các công ty muốn thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh.
Xu hướng này được thể hiện rõ ràng ở Indonesia, nền kinh tế kỹ thuật số lớn nhất Đông Nam Á và là quê hương của 5 trong số 11 “kỳ lân” (chỉ những công ty khởi nghiệp có mức định giá 1 tỷ USD trở lên) của khu vực. Ngoài các nền tảng trực tuyến Gojek (Indonesia) và Grab (Singapore) áp dụng phương thức thanh toán giao hàng không tiếp xúc, sự chuyển đổi theo hướng kỹ thuật số cũng diễn ra trong các lĩnh vực khác.
Báo cáo của OBG cho hay phần lớn khả năng phục hồi của kinh tế khu vực Đông Nam Á là nhờ các dịch vụ kỹ thuật số. Theo báo cáo “e-Conomy SEA 2020” (tạm dịch: Thương mại điện tử Đông Nam Á 2020) do Google, Temasek của Singapore và công ty tư vấn Bain & Company của Mỹ công bố vào tháng 11/2020, nền kinh tế Internet ở Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng 5% trong năm nay, với tổng khối lượng hàng hóa trị giá 105 tỷ USD.
Trong tương lai, khu vực Đông Nam Á dự kiến sẽ tăng trưởng 6,7% vào năm 2021, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 5,2%.
Thêm một yếu tố hỗ trợ triển vọng phục hồi của Đông Nam Á là vào ngày 15/11, 10 quốc gia ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Chiếm khoảng 30% tổng dân số và GDP toàn cầu, RCEP sẽ trở thành khối thương mại lớn nhất thế giới.
Do nhiều nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, đang tích cực thu hút đầu tư công nghiệp quy mô lớn, các mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn là điều thuận lợi cho đà tăng trưởng trong tương lai. RCEP sẽ đóng vai trò như một động lực bổ sung cho các công ty muốn đầu tư vào Đông Nam Á, đồng thời cho phép các công ty tại khu vực mở rộng dễ dàng hơn sang các thị trường lân cận.