Báo Kommersant cho biết để phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine từ cuối tháng 2, 7 trong số 8 quốc gia thành viên Hội đồng Bắc Cực đã đình chỉ toàn bộ chương trình hoạt động của tổ chức này.
Trong khi Moskva tiếp tục đơn phương thực hiện các chương trình, các quốc gia phía Tây Bắc Cực lại đang xem xét về khả năng cứu vãn hội đồng được thành lập từ những năm 1990 này, hay đã đến lúc thành lập một tổ chức mới mà không có Nga. 7 thành viên này bao gồm Đan Mạch, Iceland, Canada, Na Uy, Mỹ, Phần Lan, Thụy Điển.
Bộ Ngoại giao Nga đã miêu tả lập trường của các thành viên khác trong Hội đồng Bắc Cực là hoàn toàn phi lý và bị chính trị hóa.
Gần đây, giới chức Nga ngày càng bày tỏ lo ngại về khả năng Bắc Cực bị biến từ một vùng lãnh thổ hợp tác thành một điểm nóng xung đột khác, đặc biệt là do quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển gần đây. Ngược lại, các nước phương Tây đã cáo buộc Moskva quân sự hóa Bắc Cực, đồng thời cho rằng Moskva phải chịu trách nhiệm về nguy cơ xung đột gia tăng trong khu vực.
Trong mọi trường hợp, các thành viên của Hội đồng Bắc Cực đều đang phải đối mặt với câu hỏi về tương lai của tổ chức này. Một mặt, giới chức ở những quốc gia Tây Bắc Cực đã nói rõ rằng họ muốn trở lại làm việc với Nga tại tổ chức này trong tương lai.
Mặt khác, đại diện của các quốc gia Tây Bắc Cực cũng đã thảo luận về điều nên làm nếu mối quan hệ bất đồng với Nga liên quan đến tình hình Ukraine tiếp tục kéo dài. 7 thành viên này có thể tiếp tục hợp tác mà không cần đến sự tham gia trực tiếp của Nga. Thay vào đó, họ sẽ duy trì liên lạc thông qua ban thư ký của hội đồng.
Tuy nhiên, đại diện của 7 nước trên vẫn chưa chính thức lên tiếng về khả năng lập một tổ chức mới không có Nga.