Cả nước 1.853 ca mắc mới, riêng TP Hồ Chí Minh 1.320 ca
Cụ thể, trong ngày 10/7, có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Quảng Nam (2), Tây Ninh (2), Trà Vinh (2), Kiên Giang (2), Hà Nội (1) và 1.844 ca ghi nhận trong nước.
Trong 1.844 ca ghi nhận trong nước, TP. Hồ Chí Minh có 1.320 ca, Bình Dương là 140 ca, Tiền Giang 75 ca, Đồng Tháp 58 ca, Đồng Nai 37 ca, Phú Yên 33 ca, Long An 33 ca, Khánh Hoà 28 ca, Vĩnh Long 26 ca, Quảng Ngãi 14 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 12 ca, An Giang 10 ca, Bình Phước 8 ca, Hà Nội 7 ca, Sóc Trăng 7 ca, Hưng Yên 7 ca, Tây Ninh 4 ca, Bắc Giang 4 ca, Thanh Hoá 3 ca, Bến Tre 2 ca, Trà Vinh 2 ca, Cà Mau 2 ca, Bắc Ninh 2 ca, Bình Định 2 ca, Thái Bình 2 ca, Ninh Thuận 1 ca, Bạc Liêu 1 ca, Kiên Giang 1 ca, Hà Tĩnh 1 ca, Hà Nam 1 ca, Vĩnh Phúc 1 ca; trong đó 1.495 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.
Ngoài ra, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng ca tử vong lên 112
Cụ thể, ca tử vong số 111: BN19591, nữ, 59 tuổi, địa chỉ Quận 7 (TP Hồ Chí Minh). Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp.
Ngày 3/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 dương tính và được chuyển đến Bệnh viện Dã chiến số 1 Long An. Chẩn đoán lúc vào viện: COVID-19 trên bệnh nhân tăng huyết áp.
Ngày 7/7, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong: Viêm phổi nặng do COVID-19 biến chứng suy hô hấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết trên bệnh nhân tăng huyết áp.
Ca tử vong số 112: BN10936, nữ, 64 tuổi, địa chỉ Quang Châu (Bắc Giang). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường chưa điều trị, u tuyến giáp điều trị theo đơn.
Ngày 6/6, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm SARS-Cov-2 dương tính. Từ ngày 9/6 xuất hiện ho, sốt, tiến triển suy hô hấp tăng dần được chuyển đến Trung tâm ICU Bệnh viện Tâm thần Bắc Giang.
Ngày 7/7, bệnh nhân tử vong. Chẩn đoán tử vong: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, viêm phổi do do SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển trên bệnh nhân đái tháo đường, u tuyến giáp.
TP Hồ Chí Minh thành lập Bệnh viện dã chiến số 5
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Hồ Chí Minh đã lập bệnh viện dã chiến thứ 5. Theo đó, Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5 được đặt tại Sư đoàn 317, xã Tân Hiệp (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) đã chính thức đi vào hoạt động, sẵn sàng đón bệnh nhân thực hiện công tác cách ly, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 11/7.
Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 5 được xây dựng với quy mô 500 giường (có thể nâng lên thành 1.000 giường khi cần thiết) thực hiện nhiệm vụ cách ly, theo dõi, điều trị các bệnh nhân dương tính SARS-CoV-2 không triệu chứng. Bệnh viện gồm các khoa như khoa Khám bệnh, khoa Hồi sức cấp cứu, khoa Điều trị bệnh nhân nặng, khoa Chẩn đoán hình ảnh, khoa Xét nghiệm, khoa Chống nhiễm khuẩn và các Khu điều trị bệnh nhân nhẹ.
Ngoài ra, ngày 10/7, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản khẩn yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tuyệt đối không được từ chối các trường hợp đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp cần cấp cứu.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác chống dịch, các cơ sở y tế trên địa bàn vẫn phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, đặc biệt là khi người dân mắc các bệnh lý nặng cần được can thiệp hồi sức cấp cứu kịp thời.
Các cơ sở y tế tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch cần can thiệp hồi sức cấp cứu.
Nếu bệnh nhân trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi bệnh viện khác. Thường trực cấp cứu ngoại viện, sẵn sàng và khẩn trương ứng phó trong trường hợp Sở Y tế huy động.
Trong trường hợp bệnh viện phải tạm ngưng hoạt động do phát hiện các trường hợp mắc COVID-19 (F0) một cách bị động, Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải duy trì hoạt động của khoa Cấp cứu, đảm bảo 24/7. Trường hợp bệnh viện bị phong toả, bệnh viện phải thông báo công khai để người dân biết.
Các bệnh viện tuyệt đối không được từ chối tiếp nhận người bệnh đến khám chữa bệnh, đặc biệt là các trường hợp nguy kịch cần can thiệp hồi sức cấp cứu.
TP Hồ Chí Minh điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với từng khu vực nguy cơ
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch khác nhau đối với từng khu vực nguy cơ.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, đối với khu vực có quy mô phường, khu phố thì xác định nguy cơ theo số ca mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày. Tùy theo điều kiện thực tế cụ thể, có thể điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch cho phù hợp, có thể ở mức cao hơn hoặc thấp hơn.
Theo đó, đối với khu vực nguy cơ rất cao (khu vực phong tỏa), TP Hồ Chí Minh áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà, tuân thủ theo hướng dẫn cách ly tại nhà của Bộ Y tế. Nếu các khu chung cư, tập thể có F0 thì toàn bộ F1 sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Thiết chế cách ly y tế tập trung đối với các khu vực có nhiều F1 lưu trú tại một khu vực phong tỏa.
"Toàn bộ người dân ở khu vực này sẽ được lấy mẫu 3 ngày/lần tại nhà. Thực hiện gộp theo hộ gia đình hoặc tất cả những người sống trong cùng một phòng để xét nghiệm RT-PCR, có thể thí điểm gộp mẫu 3 hoặc mẫu 5 đối với xét nghiệm kháng nguyên nhanh", Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh cho biết.
Còn tại khu vực nguy cơ cao, trường hợp F1 cũng được cách ly tại nhà nhưng không cần có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Có thể xem xét cho phép cách ly trường hợp F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Tuy nhiên, nếu có ca F0 tại nhà thì phải đưa toàn bộ F1 đi cách ly tập trung. Nếu tất cả hoặc nhiều thành viên trong gia đình được xác định là F1 thì có thể xem xét thực hiện cách ly tất cả các thành viên tại nhà và không yêu cầu có phòng cách ly riêng cho mỗi thành viên.
Toàn bộ người dân ở khu vực nguy cơ cao sẽ được lấy mẫu 7 ngày/lần tại hộ gia đình, có thể tăng tần suất nếu cần, lấy mẫu gộp tất cả các thành viên trong hộ gia đình, thực hiện gộp mẫu như khu vực nguy cơ rất cao.
Đối với các khu vực khác (gồm các khu vực còn lại có nguy cơ thấp hơn), việc cách ly các trường hợp F1 tại nhà tương tự ở khu vực có nguy cơ cao. Tại khu vực này, thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu đại diện thành viên của nhà ở hoặc hộ gia đình, cùng phòng… là người có tần suất tiếp xúc nhiều với các thành viên trong gia đình, trong phòng hoặc người được phép đi ra ngoài (đi lấy thực phẩm, làm nhiệm vụ, làm việc theo yêu cầu...).
Ngoài ra, các trường hợp có nguy cơ cao tại các cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh; khu, cụm công nghiệp; người trực tiếp cung cấp các dịch vụ thiết yếu sẽ thực hiện xét nghiệm 3 ngày/lần.
Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh sẽ thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng.
Quỹ vaccine phòng COVID-19 nhận được 8.079 tỷ đồng
Theo Ban quản lý Quỹ vaccine phòng COVID-19, tính đến 17h ngày 10/7 quỹ đã tiếp nhận được 8.079 tỷ đồng (đã bao gồm ngoại tệ quy đổi).
Số tiền đã chuyển vào quỹ kể trên do 421.793 tổ chức, cá nhân tham gia đóng.
Theo Bộ Tài chính, cuộc vận động ủng hộ Quỹ vaccine rất hiệu quả, đã nhận được số tiền ủng hộ lớn, đây là nguồn lực quan trọng để Bộ Y tế mua, tiêm vaccine cho người dân, cộng đồng.
Từ nay đến cuối năm, theo kế hoạch sẽ tiêm được cho 75 triệu dân, nguồn lực cần khoảng 25.200 ỷ đồng; trong đó ngân sách đã chuẩn bị được hơn 14.000 tỷ đồng và cần thêm khoảng 11.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với các đơn vị xây dựng trang web Quỹ vaccine, thông tin về quỹ được công khai trên trang web này.
Theo đó, số tiền các cá nhân, tổ chức gửi đến sẽ được thông báo và gửi biên lai ngay, thông tin được hiển thị ngay trong ngày, công khai từng người, từng khoản ủng hộ.