Đây là những hành động cụ thể hóa Nghị quyết 24 ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, tổng diện tích đất có rừng toàn quốc hiện nay trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha. Đây là số liệu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra trong Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2019. Riêng diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn để tính tỷ lệ che phủ toàn quốc trên 13,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ 41,89%.
Bài 1: Giao đất, giao rừng-giải pháp đảm bảo đất lâm nghiệp có chủ
Giao đất, giao rừng là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, giữ vai trò định hướng cho ngành lâm nghiệp từng bước ổn định, khẳng định vị thế trong tiến trình phát triển và hội nhập theo hướng phân quyền quản lý. Kết quả thực hiện chính sách cho đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng tài nguyên rừng, đảm bảo chức năng phòng hộ, đa dạng sinh học và nguồn sinh kế cho người dân sống bằng nghề rừng.
Tạo động lực bảo vệ và phát triển vốn rừng
Theo phân tích của các nhà khoa học Trần Thị Tuyết, Lê Thu Quỳnh, Nguyễn Thị Loan, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: Giao đất, giao rừng được xem là công cụ thu hút các thành phần trong xã hội tham gia vào quản lý rừng, góp phần hạn chế các hoạt động tiêu cực, tăng cường chất lượng tài nguyên rừng và giảm tải cho lực lượng quản lý nhà nước, từng bước cải thiện sinh kế cho người dân.
Từ những năm 1980, Việt Nam đã thực hiện giao đất, giao rừng theo chủ trương “làm cho mỗi khu đất, mỗi cánh rừng, mỗi quả đồi đều có người làm chủ”, với kỳ vọng ngăn chặn nạn phá rừng, nâng độ che phủ, chất lượng rừng và xóa đói giảm nghèo, kết hợp với sự thay đổi chính sách sở hữu đất đai, chính sách hưởng lợi từ rừng để tạo nên động lực yên tâm quản lý và sản xuất. Mục tiêu hướng tới là đảm bảo an ninh môi trường, cải thiện chất lượng tài nguyên rừng, phát triển lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thị trường đất đai và việc làm, qua đó cải thiện nguồn vốn sinh kế và thu nhập cho người dân, nhất là dân cư sống dựa vào rừng.
Sau năm 1986, bước vào thời kỳ đổi mới, ngành lâm nghiệp đã có bước chuyển từ lâm nghiệp Nhà nước sang lâm nghiệp xã hội, người dân trở thành lực lượng thiết yếu bảo vệ, phát triển vốn rừng cả về chất và lượng. Trong bối cảnh đó, nhiều văn bản pháp quy được ban hành nhằm đẩy mạnh công tác giao đất, giao rừng, chú trọng hơn đến các thành phần tư nhân, các hộ gia đình phù hợp với Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Trên cơ sở đó, Nhà nước đẩy mạnh việc giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ, chăm sóc, nuôi trồng, khai thác và tận dụng sản phẩm rừng, tạo điều kiện cho dân cư ở vùng có rừng, đất rừng sinh sống và làm giàu bằng kinh doang tổng hợp các thế mạnh của rừng.
Bằng việc thay đổi quan điểm, nhận thức trong phân quyền quản lý lâm nghiệp đã mở rộng đối tượng được giao đất, giao rừng, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia vào bảo vệ, phát triển rừng. Điều này phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường đa thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng trong cải thiện đội che phủ và chất lượng rừng, góp phần giữ vững vị trí quan trọng của ngành lâm nghiệp trong quá trình phát triển đất nước.
Chỉ tính đến năm 2017, diện tích rừng của các chủ thể nhà nước là Ban quản lý rừng và UBND xã quản lý, sử dụng chiếm tới 2/3 tổng diện tích rừng tự nhiên và 48% diện tích rừng trồng. Còn đối với chủ thể ngoài nhà nước, diện tích do cộng đồng quản lý tăng mạnh, riêng thành phần kinh tế hộ gia đình chiếm 20% tổng diện tích rừng cả nước.
Gia tăng diện tích và chất lượng
Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy diễn biến diện tích rừng có chuyển biến tích cực kể từ khi thực hiện giao đất, giao rừng. Cụ thể là trước năm 1986, diện tích và độ che phủ rừng có xu hướng giảm và giảm mạnh nhất là giai đoạn 1976-1985 gần 2 triệu ha rừng tự nhiên. Đến năm 1990 độ che phủ rừng trên toàn quốc chỉ đạt 28%.
Nhưng kể từ khi thực thi đồng bộ các chính sách bảo vệ, phát triển rừng, độ che phủ của rừng ở Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Đến năm 2017 tổng diện tích rừng lên tới trên 14,4 triệu ha, độ che phủ đạt 41,45%; hiện tại trên 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên gần 10,3 triệu ha, rừng trồng trên 4,3 triệu ha. Việt Nam trở thành một trong những quốc gia trong khu vực có diện tích rừng ngày càng tăng, trong đó tăng mạnh nhất là diện tích rừng trồng.
Cùng với việc gia tăng diện tích rừng, chất lượng rừng cũng được duy trì, bảo tồn tốt hơn. Kiểm kê tổng trữ lượng gỗ năm 2016 tăng so với thời kỳ kiểm kê trước 370 triệu m3. Trong đó Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc Bộ có trữ lượng chiếm gần 87%. Những khu rừng đặc dụng và phòng hộ được quy hoạch và quản lý hiệu quả đã giúp duy trì đa dạng sinh học, đảm bảo chức năng phòng hộ, nhất là ở thượng nguồn các lưu vực sông, suối.
Tuy vậy, trong giai đoạn tới, để phát huy được hiệu quả to lớn hơn nữa của công cụ giao đất, giao rừng, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải có những giải pháp mang tính tổng thể, đột phá và bền vững. Đó là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân. Theo đó, thiết lập lâm phận quốc gia ổn định lâu dài và cắm mốc ranh giới trên thực địa đảm bảo ổn định lâm phận.
Mặt khác, ngành lâm nghiệp cần hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế, trong đó chủ trọng mô hình nông-lâm kết hợp đa sản phẩm; gắn sản xuất với bảo vệ môi trường sinh thái tăng thu nhập cho chủ rừng; ưu tiên thực thi bảo hiểm lâm nghiệp và chứng chỉ rừng, giao đất, giao rừng gia tăng diện tích rừng sản xuất. Coi các hộ gia đình là một mắc xích quan trọng hình thành nguồn cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ…
Bài cuối: Bảo tồn và phát triển vốn rừng