Giải pháp chống hạn hiệu quả
Khu vực Tây Nguyên có hệ thống sông suối khá phát triển. Do địa hình dốc, chiều dài dòng chảy ngắn, vào mùa mưa thường chảy xiết, còn vào mùa khô hầu như khô kiệt, do đó nguồn nước mặt hạn chế. Thêm vào đó, tình trạng khai thác nguồn nước ngầm không có quy hoạch và sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã làm thiên tai hạn hán trên khu vực Tây Nguyên ngày càng trở nên gay gắt hơn.
Là một trong những tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, vào tháng cao điểm mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, Đắk Lắk luôn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới cho cây trồng. Nhiều công trình thủy lợi, chủ yếu là hồ đập nhỏ rơi vào mực nước "chết", khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Bởi nguồn nước mặt hiện có chỉ đáp ứng khoảng 40% so với nhu cầu. Theo thống kê sơ bộ của ngành Nông nghiệp Đắk Lắk, tính đến cuối tháng 3/2023 đã có hơn 1.300 ha (lúa, cây trồng cạn) khô kiệt nước, dẫn đến khả năng mất trắng. Gần 160.000 ha (cà phê, sầu riêng, hồ tiêu, mắc ca và cây ăn trái) thiếu hụt nguồn nước tưới cho những đợt tiếp theo. Trước thực trạng hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt và nghiêm trọng, giải pháp chống hạn luôn là yêu cầu cấp thiết.
Nhằm cải thiện an ninh nguồn nước và bảo vệ sinh kế của các nông hộ nhỏ trong khu vực, Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" (Dự án SACCR) được triển khai từ năm 2021- 2026 do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ và được triển khai bởi Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận. Dự án này đã và đang hỗ trợ thi công các ao chống chịu biến đổi khí hậu cho các hộ dân nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột dân tộc thiểu số. Dự kiến đến năm 2026, dự án có 1.507 ao chống chịu khí hậu được xây dựng, bàn giao và vận hành đưa vào sử dụng.
Riêng tỉnh Đắk Lắk, Dự án sẽ xây mới và cải tạo 260 ao chống chịu biến đổi khí hậu, hỗ trợ thiết lập 2.335 hệ thống tưới tiết kiệm nước nội đồng, tập huấn về nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các Lớp học đồng ruộng cho 5.8 hộ, hỗ trợ vật tư nông nghiệp cho 2.335 hộ và cải thiện khả năng tiếp cận tới thông tin thị trường, tín dụng và dịch vụ thông tin khí hậu nông nghiệp cho 29.980 hộ sản xuất nông nghiệp tại địa bàn dự án.
Đến 30/10/2023, Dự án đã triển khai xong 70 ao tại hai huyện Krông Pắc và Ea Ka, tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, huyện Krông Pắc (34 ao), huyện Ea Kar (36 ao). Tổng dung tích 70 ao là hơn 60.000 m3 với diện tích tưới hơn 52 ha.
Đại diện hộ dân hưởng lợi từ ao chống chịu biến đổi khí hậu, ông Lê Văn Thắng, người dân tộc Nùng, thôn Thanh Bình, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước đây, gia đình có một cái ao nhỏ để chứa nước nhưng hàng năm chỉ đủ tưới khoảng hai đợt trong mùa khô là hết nước. Vì thế, số cây trồng trong vườn rẫy của gia đình thường xuyên bị thiếu nước, làm giảm năng suất và giảm thu nhập. Nhiều lần gia đình dự tính đào mở rộng ao để có đủ nước tưới vào mùa khô nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được. Vừa qua, gia đình được Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" quan tâm, hỗ trợ đưa máy móc vào đào thêm ao cho rộng và sâu hơn. Từ đó ao của gia đình đã chứa được nhiều nước hơn. Lượng nước trong ao được mở rộng như hiện nay sẽ đảm bảo đủ tưới cho bốn đợt trong mùa khô năm 2023 - 2024 và đủ để chia sẻ nguồn nước trong ao cho hai hộ sát vườn nhà.
Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, ngành Nông nghiệp của tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ nông dân canh tác trong tình hình biến đổi khí hậu như: Xây mới và nâng cấp các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho các nông hộ sản xuất nhỏ vẫn còn nhiều khó khăn và hạn chế. Chính vì thế, hoạt động hỗ trợ ao cho các hộ dân vùng Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.
Đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng địa phương, ông Phạm Đình Văn, Trưởng Ban Quản lý Trung ương các Dự án thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, Dự án có hoạt động hỗ trợ các hộ quản lý ao tiếp tục tham gia lớp tập huấn, sử dụng có hiệu quả nguồn nước quý hiếm trong mùa khô. Do đó, mô hình ao giữ nước, chống chịu biến đổi khí hậu là phù hợp và cần thiết đối với khu vực Tây Nguyên, nhất là vào mùa khô hạn.
Nhân rộng trong cộng đồng
Có thể thấy, tại khu vực Tây Nguyên, El Nino và biến đổi khí hậu đang có tác động tiêu cực đến nguồn nước. Đào ao để hứng nước mưa là một giải pháp tốt để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Các hộ dân sẽ bảo vệ ao hồ bằng cách thường xuyên nạo vét kênh thu nước mưa để bảo đảm có đủ nước cho khu vườn của gia đình. Vào thời điểm hạn hán, các hộ dân có thể hỗ trợ những gia đình xung quanh, để diện tích cây trồng phát triển tốt, không bị thiếu nước. Mô hình ao chống chịu biến đổi khí hậu của Dự án giúp các nông hộ quy mô nhỏ, đặc biệt là những khu vực dễ bị hạn hán, tổn thương khi thời tiết khắc nghiệt, hạn hán xảy ra trong việc tích nước tưới cây vào mùa khô sẽ được nhân rộng trong cộng đồng.
Bà Ramla Khalidi, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, bằng cách cung cấp những loại ao này, nông dân trong vùng có thể tích trữ được nước mưa để chủ động tưới cho cây trồng. Bên cạnh đó, Dự án hỗ trợ các địa phương tổ chức lớp tập huấn cho nông dân về quản lý đất và sinh khối với chuyên đề quản lý nước tưới hiệu quả dành cho các hộ có diện tích canh tác bằng hoặc dưới 1 ha, thuộc diện nghèo, cận nghèo, phụ nữ trụ cột, hộ dân tộc thiểu số. Điều này góp phần giúp nông dân tăng cường năng lực, học cách ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu tăng khả năng chống chịu và phục hồi của cộng đồng nói chung, nhằm hỗ trợ những người nghèo và cận nghèo phát triển bền vững, phù hợp với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Theo bà Ramla Khalidi, “dự án tập trung tăng cường khả năng tiếp cận các dự báo thời tiết để nông dân có thể nắm bắt những gì đang xảy ra và sau đó lên kế hoạch trước cũng như dự đoán được các thay đổi của thời tiết. Nông dân được tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về thị trường, qua đó biết cách tiếp thị sản phẩm của mình tốt nhất và đem lại giá trị tốt nhất. Từ đó, chúng tôi có thể tạo ra mạng lưới thông qua nền tảng thông tin kết nối với nhiều bên liên quan, những người đang làm việc trong chuỗi giá trị, cả nông dân lẫn các tổ chức đoàn thể, cả người mua lẫn người bán, tạo ra một không gian nơi họ có thể đến với nhau và sau đó tăng thêm giá trị thực tiễn cho các sản phẩm được sản xuất ở đây."
Tại buôn Gha Mah, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc, gia đình chị H’ Wih Byă, là hộ cận nghèo. Gia đình chị canh tác 0,3 ha trồng cà phê và xen sầu riêng mới trồng. Trước đây, gia đình có thói quen sản xuất theo tập quán cũ cho nên lao động cật lực mà cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Gia đình được tham gia lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, canh tác cà phê và hỗ trợ phân bón trị giá 5 triệu đồng từ Dự án "Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam". Nhờ đó, năng suất cây trồng đã tăng lên rõ rệt.
Chị H’ Wih Byă phấn khởi cho biết chị đã tham gia đầy đủ các lớp tập huấn của dự án về hướng dẫn chăm sóc cây trồng. Chị đã áp dụng ngay vào việc chăm sóc cà phê và hồ tiêu và đã giảm chi phí đầu tư, cây trồng phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, đời sống kinh tế được cải thiện hơn trước.